Miền Bắc » Vịnh Hạ Long |
Biển và đảo
Các đảo ở vịnh Hạ Long có hai dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, tập trung ở hai vùng chính là vùng phía Đông Nam Vịnh Bái Tử Long và vùng phía Tây Nam vịnh Hạ Long. Theo thống kê của ban quản lý vịnh Hạ Long, trong tổng số 1.969 đảo của vịnh Hạ Long có đến 1.921 đảo đá[22] với nhiều đảo có độ cao khoảng 200m[5]. Đây là hình ảnh cổ xưa nhất của địa hình có tuổi kiến tạo địa chất từ 250-280 triệu năm về trước, là kết quả của quá trình vận động nâng lên, hạ xuống nhiều lần từ lục địa thành trũng biển. Quá trình carxtơ bào mòn, phong hóa gần như hoàn toàn tạo ra một vịnh Hạ Long độc nhất vô nhị[22], với hàng ngàn đảo đá nhiều hình thù, dáng vẻ khác nhau lô nhô trên mặt biển, trong một diện tích không lớn của vùng Vịnh. Vùng tập trung các đảo đá có phong cảnh ngoạn mục và nhiều hang động đẹp là vùng trung tâm Di sản Thiên nhiên vịnh Hạ Long, bao gồm phần lớn vịnh Hạ Long (vùng lõi), một phần vịnh Bái Tử Long và vịnh Lan Hạ thuộc quần đảo Cát Bà (vùng đệm). Các đảo trên vịnh Hạ Long có những hình thù riêng, không giống bất kỳ hòn đảo nào ven biển Việt Nam và không đảo nào giống đảo nào. Có chỗ đảo quần tụ lại nhìn xa ngỡ chồng chất lên nhau, nhưng cũng có chỗ đảo đứng dọc ngang xen kẽ nhau, tạo thành tuyến chạy dài hàng chục kilômét như một bức tường thành. Đó là một thế giới sinh linh ẩn hiện trong những hình hài bằng đá đã được huyền thoại hóa. Đảo thì giống khuôn mặt ai đó đang hướng về đất liền (hòn Đầu Người); đảo thì giống như một con rồng đang bay lượn trên mặt nước (hòn Rồng); đảo thì lại giống như một ông lão đang ngồi câu cá (hòn Lã Vọng); phía xa là hai cánh buồm nâu đang rẽ sóng nước ra khơi (hòn Cánh Buồm); đảo lại lúp xúp như mâm xôi cúng (hòn Mâm Xôi); rồi hai con gà đang âu yếm vờn nhau trên sóng nước (hòn Trống Mái); đứng giữa biển nước bao la một lư hương khổng lồ như một vật cúng tế trời đất (hòn Lư Hương); đảo khác tựa như nhà sư đứng giữa mặt Vịnh bao la chắp tay niệm Phật (hòn Ông Sư); đảo lại có hình tròn cao khoảng 40m trông như chiếc đũa phơi mình trước thiên nhiên (hòn Đũa), mà nhìn từ hướng khác lại giống như vị quan triều đình áo xanh, mũ cánh chuồn, nên dân chài còn gọi là hòn Ông v.v. Bên cạnh các đảo được đặt tên căn cứ vào hình dáng, là các đảo đặt tên theo sự tích dân gian (núi Bài Thơ, hang Trinh Nữ, đảo Tuần Châu), hoặc căn cứ vào các đặc sản có trên đảo hay vùng biển quanh đảo (hòn Ngọc Vừng, hòn Kiến Vàng, đảo Khỉ v.v.). Dưới đây là một vài hòn đảo nổi tiếng: Hòn Con Cóc: Hòn Con Cóc nằm cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy khoảng 12 km về phía Đông Nam, trên vùng vịnh Hạ Long. Đây là hòn núi đá rất đẹp có góc nghiêng và hình dáng như một con cóc ngồi xổm giữa biển nước, cao khoảng 9m. Hòn Gà Chọi: Là một trong những hòn đảo nổi tiếng trên vịnh Hạ Long, hòn Gà Chọi (hay đôi khi gọi là Hòn Trống Mái) nằm gần hòn Đỉnh Hương ở phía Tây Nam của Vịnh, cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy khoảng 5 km. Đây là cụm gồm 2 đảo có hình thù giống như một đôi gà, một trống một mái, có chiều cao khoảng hơn 10m với chân thót lại ở tư thế rất chênh vênh. Là biểu tượng trên logo của vịnh Hạ Long, hòn Gà Chọi cũng là biểu tượng trong sách hướng dẫn du lịch Việt Nam[cần dẫn nguồn] nói chung. Hòn Gà Chọi Đảo Ngọc Vừng: Đảo Ngọc Vừng nằm cách cảng tàu du lịch khoảng 34 km, thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, có đặc điểm là một trong số ít đảo đất trên vùng vịnh Hạ Long. Xung quanh đảo có nhiều bãi biển đẹp, có núi Vạn Xuân cao 182m và có di chỉ khảo cổ thuộc văn hoá Hạ Long rộng 45.000m². Đảo Ngọc Vừng rộng 12 km², có người ở, có bến cảng cổ Cống Yên thuộc hệ thống thương cảng cổ Vân Ðồn từ thế kỷ 11, và có di tích thành cổ nhà Mạc, thành nhà Nguyễn. Phía đông của đảo có bãi cát dài tới hàng kilômét với cát trắng trải ra tới tận bến tàu. Khu vực này tương truyền trước kia có nhiều ngọc trai, đêm đêm phát sáng cả một vùng trời biển, nên có một số đảo mang tên đảo Ngọc như đảo Ngọc Vừng (ngọc phát sáng), hay Minh Châu (ngọc châu, ngọc sáng)[cần dẫn nguồn]. Trước kia cư dân trên đảo sống bằng nghề đánh bắt hải sản và khai thác ngọc trai. Ngày nay cư dân ở đây vẫn còn mò trai lấy ngọc, đồng thời nghề nuôi trai lấy ngọc cũng đang phát triển mạnh. Đảo Ti Tốp: Đảo Ti Tốp, thời Pháp thuộc mang tên hòn Cát Nàng, nằm trên khu vực vịnh Hạ Long cách Bãi Cháy chừng 14 km về phía Đông. Đảo được đặt tên Ti Tốp từ khi Hồ Chí Minh đến thăm vịnh Hạ Long cùng với nhà du hành vũ trụ người Nga Gherman Titov, vào năm 1962[23]. Đảo Ti Tốp có bờ dốc đứng và bãi cát trắng phẳng hình vầng trăng nằm dưới chân. Các tour du lịch thường ghé tàu vào đảo để du khách lên bờ leo núi ngắm toàn cảnh vùng Vịnh, tắm biển, chèo thuyền kay-ắc, kéo phao và kéo dù.[cần dẫn nguồn] Đảo Tuần Châu: Nằm cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy khoảng 4 km về phía Tây Nam trên vùng vịnh Hạ Long, Đảo Tuần Châu là một đảo đất rộng khoảng 3 km², gần bờ, có làng mạc và dân cư thưa thớt. Trước kia trên đảo các nhà khoa học đã tìm được nhiều di chỉ khảo cổ thuộc nền văn hóa Hạ Long. Từ năm 2001, một con đường lớn đã được xây dựng nối đảo với đất liền. Một tổ hợp dịch vụ vui chơi, giải trí, quần thể khách sạn, nhà hàng và bãi tắm sang trọng được xây dựng, đưa vào phục vụ góp phần làm thay đổi bộ mặt của Hạ Long từ năm du lịch 2003 tới nay[23]. Theo Wikipedia | |
Total comments: 0 | |